Công cuộc chuyển đổi số trên Thế giới và Việt Nam

Thế giới đang trải qua cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều đột phá về công nghệ và chuyển đổi số. Việt Nam cũng có những tín hiệu tích cực trong tiến trình chuyển đổi số này.

Đầu năm 2021 khi Covid-19 xảy ra, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng đình trệ, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng. Cách họ vượt khó là áp dụng số hóa quản trị vận hành và tự động hóa quy trình sản xuất.


Cuộc cách mạng lần thứ 4 với vai trò quan trọng của chuyển đổi số

Chuyển đổi số là sự sáng tạo phá hủy trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Bắt đầu từ cuối thế kỷ XVII, chúng ta đã trải qua 3 cuộc cách mạng. Mỗi cuộc cách mạng đều có những tác động lớn đến đời sống sản xuất. Đó là sự xuất hiện lần lượt của của cơ khí và động cơ hơi nước; điện lực và sản xuất hàng loạt; điện tử, máy tính, internet, sản xuất tự động.

Từ thập kỷ này, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã chính thức diễn ra. Nội dung chính của cuộc cách mạng này là công nghệ số và chuyển đổi số. Trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối trở thành nền tảng cho công nghệ số. Mô hình hoạt động, quản trị vận hành từ cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp được chuyển đổi số hóa thay thế các quy trình truyền thống cũ.

Để theo kịp tiến trình phát triển của cả thế giới, thách thức đối với mỗi doanh nghiệp quốc gia là có dám buông bỏ những cách thức cũ, loại bỏ những thứ không còn phù hợp để đổi mới, chuyển đổi số toàn diện không? Quá trình chuyển đổi này là sự sáng tạo phá hủy nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp trở mình thành công. 

  • Như câu chuyện của Nokia, khi thị phần toàn cầu từ 50% về 2% vì sự xuất hiện của chiếc điện thoại iPhone đầu tiên vào năm 2007, của hệ điều hành Android năm 2018. Thời điểm đó không ai nghĩ tới, nhưng nó đã diễn ra một cách nhanh chóng. Ngày nay, chiếc điện thoại bàn phím đã trở thành một câu chuyện xưa cũ.
  • Năm 2017, giá cổ phiếu của Nike từ 52 USD lên 88 USD chỉ trong  2 năm, doanh thu tăng thêm 6 tỷ. Những con số ấn tượng mà Nike không dễ đạt được sau một thời gian kinh doanh thụt lùi nếu không thay đổi chiến lược. Ngoài các kênh truyền thống, Nike tiếp cận khách hàng trực tiếp thông các sàn thương mại điện tử. Tái cấu trúc thương hiệu thông qua truyền thông số. Thay đổi cơ cấu vận hành cũ bằng việc số hóa kho vật liệu giúp cho các nhà thiết kế giày đẩy nhanh tiến độ.
  • Lego đã gần như phá sản vào năm 2004. Nhưng hãy nhìn lại hiện tại. 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận ròng đạt khoảng 989 triệu đô la. Kế hoạch 3 năm tới, Lego sẽ có hơn 1800 nhân sự gấp ba so với bây giờ. Danh sách tuyển dụng của họ bao gồm kỹ sư, nhân viên UX/UI, quản lý chương trình kỹ thuật, chuyên gia bảo mật kỹ thuật số và khoa học dữ liệu. Theo Giám đốc kỹ thuật số và công nghệ, Atul Bhardwaj, chuyển đổi kỹ thuật số là khoản đầu tư mà Lego chú trọng nhất.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số được áp dụng ra sao?

Việt Nam không nằm ngoài tiến trình chung của cả thế giới, khi Đảng và Nhà nước đã có hàng loạt các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

  • Năm 2019, theo khảo sát của Vinasa (Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam) có hơn 40%  doanh nghiệp tham gia đã sẵn sàng nguồn lực, hơn 23% đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số.
  • Năm 2020 - thời điểm Covid-19 diễn ra khắp nơi, chuyển đổi số trở thành vấn đề sống còn đối với nhiều doanh nghiệp. Bộ Trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: "Covid-19 là cú huých trăm năm để đẩy nhanh chuyển đổi số trên bình diện toàn quốc gia. Việt Nam với lợi thế có nhiều doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin mạng, đây là lúc phát huy đưa đất nước bứt phá, thay đổi thứ hạng".
  • Năm 2021, Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức vận hành. Hơn 71,7 triệu thẻ căn cước có gắn chip đã được cấp (dữ liệu tính đến đầu tháng 10/2022).
  • Tháng 8/2022, gần 2,2 triệu người đã đăng ký và sử dụng hình thức thanh toán điện tử qua Mobile chỉ sau 1 năm triển khai.
  • Ngày 10/10 hàng năm đã được chọn là Ngày chuyển đổi số quốc gia. Tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia đầu tiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ triển khai theo hướng chuyển đổi số một cách toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước".

Theo tiến trình trên, năm 2022 doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước tính đạt đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021 và gấp 1,5 lần so với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước. Dự kiến trong năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hàng năm 29%, vươn lên vị trí thứ hai Đông Nam Á.


Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang triển khai kế hoạch chuyển đổi số

Tại Đại hội lần thứ VII nhiệm kỳ 2021-2026 đã xác định một trong ba đột phá chiến lược quan trọng phải thực hiện là đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng các giải pháp phần mềm, sử dụng nền tảng số vào hoạt động quản lý vận hành, kinh doanh, sản xuất. Những lợi thế của việc chuyển đổi số không thể phủ nhận như tăng doanh thu, giảm chi phí, nâng cao năng lực quản lý từ đó nâng tầm vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

-  Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được coi một trong những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số. EVN và các đơn vị thành viên đã triển khai áp dụng các giải pháp phần mềm từ quản lý nội dung tài liệu số, số hóa quy trình nghiệp vụ… đến ứng dụng AI, mô hình trí tuệ nhân tạo để nâng cao chất lượng công việc. Mới đây, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh trở thành doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được chứng nhận hình thành doanh nghiệp số.

-  Tập đoàn Hòa Phát - một trong những nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á, đứng đầu top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Để nâng cao vị thế cạnh tranh, Hòa Phát đã đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số như đầu tư hạ tầng, áp dụng những giải pháp công nghệ phần mềm vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp như dự án nhân sự tiền lương, vận hành hệ thống văn phòng điện tử eOffice...

-  Tổng Công ty Đầu tư & Phát triển Công nghiệp (Becamex) đã có chiến lược thúc đẩy quá trình chuyển đổi số từ nhiều năm. Trong thời gian Covid-19, Becamex vẫn hoạt động bình thường nhờ chính chiến lược này. Tính tới năm 2020, các hoạt động quản trị, kinh doanh truyền thống đã được số hóa gần hết, tăng thời gian xử lý công việc, giảm chí phí hơn 70%.

Một số thách thức khác của chuyển đổi số mà doanh nghiệp Việt Nam đối diện hiện nay đó là tư duy của người lãnh đạo, và trình độ chuyên môn của nhân sự phụ trách. Tuy nhiên để theo kịp sự phát triển toàn cầu, từ chính quyền, doanh nghiệp đến mỗi cá nhân đều tự tiến hành quá trình nâng cấp, số hóa. 

 

Chia sẻ

Bài viết liên quan