Chuyển đổi số, xu hướng tất yếu của thời đại công nghệ số

Được nhắc đến nhiều trong những năm trở lại đây như một xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0, chuyển đổi số có thực sự là chiếc chìa khóa vạn năng giúp tháo gỡ mọi vấn đề?

Trên thế giới, khái niệm chuyển đổi số đã bắt đầu manh nha xuất hiện vào khoảng năm 2015 và bắt đầu được phổ biến rộng rãi từ năm 2017. Tại Việt Nam, khái niệm này đã bắt đầu được nhắc đến nhiều từ năm 2018.

Tuy không phải là “cây đũa thần” giúp hóa giải mọi vấn đề trong quá trình phát triển của các cơ quan, tổ chức nhưng chuyển đổi số nắm vai trò then chốt và không thể thay thế trong hành trình tìm kiếm thành công trong thế hệ mới.

Khái niệm chuyển đổi số

Theo công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Gartner, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.

Microsoft lại cho rằng chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp con người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới.

Tuy được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau nhưng nhìn chung, khái niệm chuyển đổi số được Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) định nghĩa trong cẩm nang chuyển đổi số như sau: "Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số".

Theo khảo sát năm 2018 của IDC, chuyển đổi số đang trở thành chiến lược hàng đầu tại các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan chính phủ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Gần 90% doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số ở các giai đoạn khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu, cho tới bắt đầu triển khai, thực hiện. Hơn 30% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát xem chuyển đổi số là vấn đề sống còn, xác nhận hiệu quả trên nhiều khía cạnh như thấu hiểu khách hàng, tăng năng suất lao động, tăng tốc sáng tạo...

Như vậy, khái niệm chuyển đổi số gần như gắn liền với sự phát triển của khoa học công nghệ. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, việc chuyển đổi số sẽ gần như là bắt buộc với mọi quốc gia, doanh nghiệp và cả những cá nhân. Vì công nghệ thì không ngừng phát triển, từ chối sự tiến lên của công nghệ có nghĩa là để bản thân/doanh nghiệp bị tụt lại phía sau.

Vai trò, lợi ích của chuyển đổi số trong phát triển doanh nghiệp

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là tập trung vào đổi mới tổng thể, tăng cường khả năng thích ứng, tập trung nhiều hơn vào việc thu thập, xử lý, tích hợp dữ liệu, tri thức hữu ích cho tất cả các cấp trong tổ chức. Có thể hình dung chuyển đổi số giống với hệ thần kinh trung ương, giúp doanh nghiệp trở nên thông minh, có khả năng sáng tạo, thích nghi nhanh chóng và hiệu quả với các thay đổi từ thị trường.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng đã xóa mờ ranh giới của các lĩnh vực kinh doanh. Hãy lấy một ví dụ: Grab vốn là doanh nghiệp công nghệ, nhưng có hoạt động trong nhiều lĩnh vực như vận tải, logistics, thương mại điện tử... Thông qua các bước tiến trong công nghệ cùng dữ liệu người dùng ngày một lớn, Grab có thể nhanh chóng tham gia vào thị trường của các lĩnh vực khác, thay đổi cơ bản chuỗi giá trị của ngành/lĩnh vực đó. Điều này dẫn đến việc rất khó có thể đưa ra định nghĩa chính xác Grab là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào. Hoạt động kinh doanh hiện tại của công ty này là xoay quanh khách hàng chứ không phải xoay quanh sản phẩm hay đối thủ cạnh tranh. Giờ đây, bên cạnh giá dịch vụ, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp có thể đến từ sự thấu hiểu sâu về khách hàng thông qua phân tích dữ liệu và năng lực hạ tầng tính toán.

Tại hội thảo Doanh nghiệp số từ thực tiễn đến nhận thức ngày 11/4/2019, ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội tin học TP.HCM, đã khẳng định: "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là xu thế không thể đảo ngược, trong đó dữ liệu sẽ trở thành tài sản lớn nhất của doanh nghiệp bởi dữ liệu có ích cho doanh nghiệp ngày càng đa dạng và chi phí để thu thập dữ liệu có ích cho doanh nghiệp giảm nhanh".

Đồng quan điểm, Giáo sư Hồ Tú Bảo, thuộc Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), cho rằng doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ không thể nói "không" với chuyển đổi số: "Chuyển đổi số là con đường tất yếu, các doanh nghiệp cần hiểu rõ và có chiến lược theo đuổi một cách cụ thể, có sự đầu tư đúng đắn cho những công cụ quan trọng của chuyển đổi số như AI, khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh”.

Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo.

Công ty nghiên cứu McKensey cũng dự đoán rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%.

Với những thông tin kể trên, có thể thấy chuyển đổi số hiện đang là một xu hướng chủ đạo trong tiến trình phát triển của doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số. Với chuyển đổi số, doanh nghiệp không chỉ nhận về những thay đổi một cách tổng thể và toàn diện về quy trình vận hành, cách thức làm việc mà còn tăng cường khả năng thích nghi của doanh nghiệp trước các biến động mạnh mẽ của thị trường.

Chia sẻ

Bài viết liên quan